Bức tranh kinh tế Việt Nam 2018: Dự báo nhiều gam màu sáng

Trong báo cáo "Tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019", Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá: Triển vọng kinh tế trong nước lạc quan, kế thừa và tiếp tục phát huy những kết quả đạt được của năm 2017.

Hoàn thành tốt 12 chỉ tiêu Quốc hội giao 

Trong số 12 chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội thông qua cho năm 2018, dự kiến có 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt mục tiêu kế hoạch.

Cụ thể, tăng trưởng GDP cả năm khoảng 6,7%. Tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản được phục hồi rõ nét, ước cả năm khoảng 3,3% nhờ tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành, vùng sản xuất theo 3 trục sản phẩm. Tăng trưởng khu vực công nghiệp xây dựng khoảng 7,59%; tăng trưởng khu vực dịch vụ tiếp tục ở mức 7,35%. 

Quy mô GDP theo giá hiện hành cả năm ước đạt khoảng 5.555 nghìn tỷ đồng, quy USD đạt khoảng 240,5 tỷ USD. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 2.540 USD/người, tăng 6,3%.

Chỉ số giá tiêu dùng CPI những tháng đầu năm cơ bản biến động sát với điều hành của Chính phủ. 8 tháng năm 2018, CPI bình quân được kiểm soát ở mức tăng 3,52% so với cùng kỳ năm 2017. Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng tăng 1,38% so với cùng kỳ. Ước cả năm, thực hiện thành công mục tiêu kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng dưới 4% của Chính phủ, vượt mục tiêu Quốc hội giao.

Một con số khác đáng lưu ý là xuất nhập khẩu hàng hoá tăng cao, ước tính tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá cả năm đạt 475 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2017. Mức tăng này được Bộ Kế hoạch Đầu tư đánh giá là rất tích cực. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 238 tỷ USD, tăng 11,2%, vượt mục tiêu Quốc hội giao (7-8%) và vượt mục tiêu của Chính phủ (8-10%). Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu cả năm ước đạt 237 tỷ USD, tăng 12,3%. 

Cả năm ước xuất siêu khoảng 1 tỷ USD, bằng 0,4%, vượt mục tiêu Quốc hội giao nhập siêu dưới 3%. 

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội (theo giá hiện hành) thực hiện 6 tháng đầu năm ước đạt 747,6 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2017. Cả năm ước đạt 1.890 nghìn tỷ đồng, tăng 13,3% so với năm 2017 và bằng 34% GDP, đạt mức cao mục tiêu Quốc hội giao (33-34%). 

Bên cạnh đó còn có thể dẫn chứng một loạt con số để khẳng định xu thế tích cực của nền kinh tế trong 2/3 chặng đường vừa qua của năm 2018. Đó là tình hình đăng ký kinh doanh tiếp tục khởi sắc.

Tính chung 8 tháng, cả nước có 87.448 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 878,6 nghìn tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2017, tăng 2,4% về số doanh nghiệp (cùng kỳ tăng 16,3%) và tăng 6,9% về số vốn đăng ký.  

Bên cạnh đó, có 20.942 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2017, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 8 tháng đầu năm lên gần 108,4 nghìn doanh nghiệp.

Ước cả năm, cả nước có khoảng 130 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới, tăng 2,5% so với năm 2017.

Hé lộ bức tranh kinh tế năm 2019

Trên cơ sở dự báo tình hình kinh tế - xã hội 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã bắt đầu phác họa kế hoạch năm 2019. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến tổng sản phẩm trong nước GDP tăng khoảng 6,6 - 6,8% so với năm 2018. Tốc độ tăng giá tiêu dùng CPI bình quân khoảng 4-5%.

Dự kiến, khả năng huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2019 đạt khoảng 2.036 - 2.097 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 7,7-11% so với năm 2018, bằng khoảng 33-34% GDP.

Xuất khẩu hàng hóa năm 2019 dự kiến đạt khoảng 256 tỷ USD, tăng khoảng 7-8% so với năm 2018; nhập khẩu hàng hóa dự kiến đạt khoảng 261 tỷ USD, tăng khoảng 10%; nhập siêu khoảng 5 tỷ USD, chiếm dưới 3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16% so với năm 2018; dư nợ tín dụng dự kiến tăng khoảng 15-17%; điều hành chính sách lãi suất và tỷ giá linh hoạt, thận trọng, phù hợp với diễn biến thị trường và các cân đối kinh tế vĩ mô; tăng cường dự trữ ngoại hối; đảm bảo tính thanh khoản và an toàn hệ thống của các tổ chức tín dụng.

Dự báo cán cân thanh toán quốc tế năm 2019 tăng trưởng ổn định và cán cân tổng thể dự kiến thặng dư khoảng 11 tỷ USD, tương đương với năm 2018.

Mặc dù đưa ra những con số lạc quan nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lưu tâm một số rủi ro, thách thức tới nền kinh tế Việt Nam năm 2019 như chịu ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại giữa các quốc gia, nền kinh tế lớn kết hợp với yếu tố rủi ro địa chính trị, xu hướng bảo hộ thương mại nội địa, chủ nghĩa dân tuý. 

Bên cạnh đó là những thách thức đến từ các yếu tố nội tại của nền kinh tế như trình độ công nghệ thấp, đất đai, tài nguyên đang dần bị suy giảm; Trình độ phát triển khu vực kinh tế trong nước và khu vực kinh tế có vốn người ngoài còn chênh lệch, nhất là trong xuất nhập khẩu. 

Động lực tăng trưởng truyền thống của nền kinh tế trong nhiều năm qua là vốn đầu tư và công nghiệp khai khoáng không còn nhiều dư địa, đang dần được thay thế bởi công nghiệp chế biến, chế tạo. 

Tuy nhiên, hầu hết các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn nằm trong phân khúc có giá trị gia tăng thấp (dệt may, da giày, lắp ráp máy vi tính, điện thoại), khu vực FDI trong các năm 2019-2020 chưa có các dự án sản xuất quy mô lớn đi vào hoạt động có thể hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng như năm 2017, 2018 (với các dự án của Samsung, Formosa, Nghi Sơn).