Hoa Mai Vàng ngày Tết
Hằng năm, cứ đến dịp cuối năm, tầm tháng 9, tháng 10 âm lịch trở đi, chủ đề về hoa mai vàng, mua hoa mai vàng trưng Tết hay thuê mai chơi Tết được mọi người đặc biệt quan tâm. Hoa mai được xem là biểu tượng báo Tết về, là hiện thân của nàng Xuân. Hoa mai xem như đóng vai trò chính vào dịp Tết trong mỗi gia đình.
Tôi còn nhớ ba tôi năm nào cũng sắm một chậu hoa mai vàng để đón tết, hoặc ít ra thì cũng là một nhành mai để trên bàn thờ tổ tiên để có không khí Tết. Ba tôi chỉ chọn nhành mai có nhiều búp vì mới chưng lâu trong cả tuần lễ Tết nhất để đón lộc may. Những lộc lá non trên cành hoa mai cũng đươc người thưởng ngoạn mai như ba tôi chú ý nhiều. Màu xanh lục của lá non có màu lam như ngọc từ trong những búp hình móng gà tỏa ra. Những chùm lá non này đã đượm màu cho những chùm hoa vàng thêm ý nghĩa hơn trong vẻ đẹp.
Ngày Tết, ngó lên bàn thờ gia tiên có lư hương đồng bóng loáng, có mâm ngũ quả, có bánh chưng hay bánh tét, có mâm mứt, có trà mạn sen, có cặp dưa và có nhành mai ngày Tết và đâu đó trong nhà, ngoài ngõ đều phải có một chậu hoa mai, dù nhỏ hay lớn. Hỡi bạn còn nhớ hương thơm của mai khi tỏa hoa cho lộc may đầu năm? Thật vậy, hoa mai thơm. Đặc biệt khi tiết trời đầu năm càng lạnh, khiến cho mai càng tỏa hương thơm ngát. Chính cái khứu giác đó làm cho ta trân quí mai hơn.
Về loại mai vàng tại miền nam có nhiều. Mai vàng thuộc họ hoàng mai, là một loại cây rừng. Cây mai vàng cũng rụng lá vào mùa Ðông, thân, cành mềm mại hơn cành đào. Hoa mai vàng mọc thành chùm và có cuống dài treo lơ lửng bên cành, ở nách vệt cuống lá và hơi thưa. Hoa màu vàng, có mùi thơm, e ấp và kín đáo. Mai vàng còn có giống sau khi cho hoa còn kết quả màu đỏ nhạt bóng như ngọc, là mai tứ quí và nhị độ mai.
Mai trồng để lấy hoa vào dịp tết Nguyên đán được trồng từ hạt hay chiết cành. Có thể trồng mai vàng ngoài vườn, vào bồn hay vào chậu đều được. Mai ưa ánh sáng và đất ẩm. Người miền Nam thường chơi hoa mai vàng vào những ngày tết.
Hoa mai là chủ đều quen thuộc, là cảm hứng của thi sĩ, họa sĩ. Nhà thơ Nguyễn Du nhìn bộ trà có cây mai làm đề tài nổi tiếng đương thời là bộ chén dĩa trà “mai hạc” có câu thơ nôm trích trong truyện Kiều:
” Nghêu ngao vui thú yên hà
Mai là bạn cũ, hạc là người quen”
Tóm lại, hoa mai góp mặt tại quê hương Việt Nam đem lại nếp sinh động trong tâm hồn văn hóa Việt tộc, mai đến rồi đi, rồi trở lại theo chu kỳ của mùa Xuân, của những ngày Tết mới của năm. Mai là biểu tượng đẹp đẽ, hài hoà trong lòng văn hóa Việt. Mai là nguồn vui cho mọi người chúng ta nói chung khi mùa Xuân về.