Sắc thái tâm linh trong một không gian sống

Tổng thể công trình, góc nhìn từ trong khuôn viên nội khu của gia đình

 

Thông tin dự án

  • Thiết kế: H2
  • Email: h2arch.vn@gmail.com
  • Điện thoại: 0983955695
  • KTS Trần Văn Huynh, Nguyễn Thị Xuân Hải, Đỗ Trọng Nhân Kiệt
  • Cộng tác: Viet Nguyen Architect
  • Ảnh Quang Trần

Các kiến trúc sư của H2 cũng chia sẻ quan điểm trên. Ở dự án Lan House mà họ thực hiện trong năm 2018 vừa qua, sau khi gặp chủ nhà, họ thấy rằng có hai vấn đề chính cần giải quyết: nhu cầu về sử dụng và đời sống tâm linh của gia chủ. Khi cụ thể hóa trong phương án thiết kế của mình, về sử dụng, họ chia ngôi nhà thành hai khu chức năng khác biệt: tầng 1 để kinh doanh sao cho hiệu quả, tầng 2 đáp ứng nhu cầu ở một cách tiện nghi và hưởng thụ nhất.

Nhìn từ bên ngoài, công trình như một chiếc hộp bê tông nhưng không gian sống bên trong là những mảng vườn nhỏ bao quanh đem lại nhiều cảm giác thiên nhiên

 

Khu đất tọa lạc tại Hương lộ 5, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Phía trước tiếp cận với mặt tiền Hương lộ 55 và phía sau là ngôi nhà cũ của ông bà, cùng chung một khuôn viên khá rộng. Trong phương án đề xuất, toàn bộ không gian tầng 1 tiếp cận trực tiếp với Hương lộ 55 dùng làm cửa hàng kinh doanh gạo.

Góc tiếp khách với vườn xanh hai bên, màu sắc và các chi tiết đem lại nhiều cảm xúc gắn liền với niềm tin tôn giáo của gia chủ

 

Tầng 2 đầy đủ các không gian chức năng cho nhu cầu ở của một hộ gia đình. Do ngôi nhà tiếp xúc đường lớn, xe cộ đi lại nhiều nên tầng 2 sử dụng gạch bông gió phía mặt tiền nhằm “đóng” không gian lại, hạn chế ồn ào khói bụi, đồng thời cũng tạo vẻ đẹp cho công trình.

Bàn ăn với chỗ ngồi mở ra mảng vườn

 

Không gian nội thất tách làm hai phần, ngăn chia bởi cầu thang và sảnh. Phần trước của ngôi nhà là không gian chung bao gồm phòng khách, bếp ăn, khu vệ sinh và giặt phơi, được bao quanh bởi một khu vườn. Phía sau là không gian ngủ có vệ sinh riêng. Cuối nhà là một ban công lớn nối kết và tương tác hai phòng ngủ với khu nhà ông bà phía sau trong cùng khuôn viên lớn. Giữa khu bếp và phòng khách có một khối gỗ (nơi bố trí khu vệ sinh chung + giặt phơi), khối gỗ cũng giúp hạn chế tầm nhìn từ phòng khách vào khu vực bếp.

Khối gỗ giữa khu bếp và phòng khách có vai trò khá lớn, để đóng, mở và dẫn dắt cảm xúc của không gian ở nhiều thời điểm khác nhau trong ngày khi tương tác với ánh sáng và mảng xanh chung quanh

 

Quan sát, sẽ thấy mỗi góc nhà đều là một khoảnh vườn nhỏ để thư giãn. Các không gian từ trước ra sau đóng mở liên hoàn tạo sự sinh động cũng như thuận tiện trong sử dụng. Cụ thể, nếu như mặt tiền nhà là khối hộp đóng lại giảm khói bụi ồn ào thì không gian tiếp khách, bếp ăn và khu vườn chính của ngôi nhà được mở ra tạo sự thông thoáng rộng rãi mát mẻ.

Phòng ngủ chính với các góc nhìn khác nhau

 

phòng ngủ trẻ em

 

Phòng ngủ cần riêng tư thì đóng lại và ban công phía sau lại mở ra, tạo sự kết nối giữa hai phòng ngủ, hai ngôi nhà mới và cũ, đồng thời, về tinh thần cũng phần nào tạo nên sự kết nối giữa ba thế hệ trong một đại gia đình lớn.

Phần “hồn” của ngôi nhà được nhấn mạnh bởi hai yếu tố: kỷ niệm qua thời gian và đời sống tâm linh. Khi khảo sát hiện trạng ban đầu của khu đất, nhóm thiết kế thấy có sẵn một ngôi nhà với kết cấu mái gỗ còn chắc chắn, xây từ năm 1988. Đây cũng là không gian mà chủ nhà đã gắn bó trong suốt tuổi ấu thơ và muốn giữ lại hệ mái gỗ này như một kỷ niệm. Dựa trên yêu cầu đó, nhóm thiết kế đã xử lý hình khối kiến trúc bên trong theo kiểu truyền thống kết hợp công năng sử dụng hiện đại để nối kết kết cấu mái cũ và phần xây mới, giữ lại toàn bộ hệ thống vì kèo, chi tiết hoa văn của hệ mái cũ.

Mặt khác, gia chủ là người Công giáo nên nhóm thiết kế đã nghiên cứu để tái hiện các chi tiết tôn giáo trong không gian, chẳng hạn như các ô kính màu trên mảng tường lớn hay khe sáng hình chữ thập, các vòm cửa kết hợp với ánh sáng, góc bàn thờ… Tất cả tạo nên một không gian sống vừa tiện nghi, tình cảm, vừa có sắc thái tâm linh, đúng với những gì mà chủ đầu tư mong muốn.

Theo Nam Khương/ noithatmagazine